Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Mô hình trồng lan Mokara ứng dụng công nghệ sinh học

Mô hình trồng lan Mokara ứng dụng công nghệ sinh học

Trồng hoa lan cắt cành tuy đầu tư và chăm sóc khá công phu nhưng thu nhập mang lại cho nông dân cao gấp từ 7 - 10 lần so với các loại cây trồng khác tại địa phương.

Từ sau ngày thành lập đến nay, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) Khánh Hòa đã phát huy lợi thế một đơn vị nghiên cứu để sản xuất được nhiều giống chất lượng lượng cao trong đó mang lại hiệu quả kinh tế nhất là giống hoa lan cắt cành Mokara… Trung tâm đã và đang đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao cho nông dân Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung.


1. Hướng đi hiệu quả
- Tại vườn lan rộng hàng ngàn mét vuông đang độ nở hoa của Trung tâm, kỹ sư Trương Vi - người trực tiếp chăm sóc vườn lan cho biết: Năm 2009, Khánh Hòa chưa có cơ sở nào trồng được giống lan cắt cành. Tất cả lượng hoa lan được người tiêu dùng ưa chuộng tại đây đều phải nhập về từ TP.Hồ Chí Minh hoặc Đà Lạt. Xét thấy điều kiện khí hậu và cơ sở vật chất ở đây phù hợp với giống hoa lan cắt cành, lãnh đạo Trung tâm đã nhập về từ Thái Lan giống lan Mokara với số lượng 1.350 cây có chiều cao từ 25 - 30cm gồm 8 dòng khác nhau như Banana, Jetty, đỏ lá vạt... đưa về trồng thử nghiệm.

- Kỹ sư Vi cho biết, trồng hoa lan cắt cành tuy đầu tư và chăm sóc khá công phu nhưng thu nhập mang lại cho nông dân cao gấp từ 7- 10 lần so với các loại cây trồng khác tại địa phương.

- Sau vài năm thử nghiệm thành công với tỷ lệ sống gần như tuyệt đối, năm 2011, Trung tâm NNCNC Khánh Hòa đã nhập thêm từ Thái Lan tổng cộng 2.500 cây hoa lan Mokara, nâng tổng số hoa lan Mokara của Trung tâm lên 9.650 cây. Trên cơ sở đó, Trung tâm cũng đã phát huy lợi thế, sử dụng công nghệ cao để chủ động nhân giống bằng phương pháp cấy mô được 15.000 cây.

- Và năm 2011 cũng là năm đầu tiên Trung tâm thu hoạch cành hoa Mokara bán ra thị trường, được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện nay, diện tích lan Mokara đang cho thu hoạch của Trung tâm đã là 1.800m2. Banana, Jetty và đỏ lá vạt là những dòng được thị trường ưa chuộng. Được biết, với giá hoa lan cắt cành từ 8.000 - 10.000 đồng/cành, hiện nay chỉ riêng bán cành hoa lan, Trung tâm đã thu về 800 triệu đồng/năm. Kỹ sư Vi cho biết, trồng hoa lan cắt cành tuy đầu tư và chăm sóc khá công phu nhưng thu nhập mang lại cho nông dân cao gấp từ 7 - 10 lần so với các loại cây trồng khác tại địa phương.

2. Định hướng phát triển
- Anh Võ Văn Thắng - Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm NNCNC Khánh Hòa chia sẻ: "Với những kết quả đạt được rất khả quan này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư với quy mô công nghệ hiện đại trên diện tích 2 - 3ha". Trung bình các loại lan cho ra từ 3 - 4 cành hoa, mỗi tuần cho thu hoạch từ 2 - 3 lần tùy theo đơn đặt hàng, cá biệt có những dòng cho 6 -7 cành, cho thu nhập rất cao. Hiện nay thị trường chủ yếu của Trung tâm là trong tỉnh, một số nơi ngoài tỉnh như Thừa Thiên- Huế, Phú Yên, Đồng Nai đã liên hệ với trung tâm để mua nhưng không có hoa để cung cấp.

- Ông Mai Xuân Thương - Giám đốc Trung tâm thì cho biết: "Chúng tôi đã xác định sẽ đầu tư cho phát triển các giống hoa. Trong đó trọng tâm là hoa lan Mokara với kế hoạch mở rộng phát triển vùng trồng hoa lan cắt cành của Trung tâm thành vùng sản xuất giống lan và hoa lan lớn nhất miền Trung".

Kỹ thuật chăm sóc Mai Vàng

Kỹ thuật chăm sóc Mai Vàng

Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt với khí hậu miền Nam. Cây mai sinh trưởng và phát triển mạnh, có tuổi thọ cao và nếu được chăm sóc chu đáo sẽ cho hoa nhiều và có màu sắc đẹp. Cây mai mỗi năm rụng lá một lần vào cuối mùa Đông (tháng 1 - tháng 2 dương lịch) và nở hoa vào đầu mùa Xuân, chỉ riêng mai Tứ Qúy là nở hoa quanh năm. Hiện nay nhờ kỹ thuật lai tạo giống, các nghệ nhân đã tạo ra được các giống mai có nhiều cánh, cánh xếp nhiều tầng như mai Huỳnh Tỷ, mai Giảo, mai Cúc, mai Cửu Long…và đa dạng về màu sắc như Bạch Mai, mai Miến Điện, mai Bến Tre, mai Tứ Quý… Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai không phức tạp. Tuy nhiên để có một cây mai theo ý muốn của nguời chơi, ngoài những kỹ thuật thường áp dụng như tỉa cành tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh việc trồng và chăm sóc mai cần chú ý một số điểm sau:



1. Chọn đất trồng mai
- Đất trồng mai trên vườn, líp: Cây mai phát triển tốt trên đất thịt nhẹ có nhiều chất hữu cơ, đất không chua, không bị nhiễm phèn, mặn hoặc các hoá chất độc hại.

- Đất trồng mai trong chậu: cần chọn loại đất có các tính chất như trên, trộn theo tỷ lệ khoảng 70 - 80% đất và 20 - 30% phân hữu cơ hoai mục theo trọng lượng đất trong chậu.

2. Kỹ thuật bón phân
a) Mai trồng trên vườn, líp
- Bón lót khi trồng: Phân chuồng (phân trâu bò, tro trấu, sơ dừa…) đã qua ủ khoảng 5-10 kg/gốc, vôi bột khoảng 200 - 300 gr/gốc + 50 - 100gr lân Đầu Trâu. Toàn bộ lượng phân này được trộn đều trong hố (hoặc rãnh) trước khi trồng cây con.

- Bón thúc: Sau khi trồng khoảng 10 - 15 ngày, cây bắt đầu ra rễ mới, dùng phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu hoà loãng để tưới, lượng phân sử dụng từ 50 - 100 gr/10 - 15 lít nước, khoảng 20 - 30 ngày tưới 1 lần. Khi mai đã lớn, lượng phân bón cũng được tăng dần và khoảng cách các lần bón phân xa hơn. Loại phân bón qua đất thích hợp cho mai là NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE. Lượng bón khoảng 20 - 50 gr/gốc/lần bón, cách khoảng 1 - 2 tháng bón 1 lần. Khi mai đã cho hoa ổn định: Hàng năm cần bón bổ sung phân hữu cơ từ 5 - 10 kg/gốc. Sử dụng loại phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE bón mỗi năm khoảng 3 - 4 lần với lượng bón như trên vào các đợt: sau khi tàn hoa (sau dịp Tết), cắt tỉa cành; đầu mùa mưa; giữa mùa mưa và trước khi mai nở hoa khoảng 1 - 1,5 tháng. Cần bón phân theo hốc, theo rãnh sâu từ 5 - 7 cm theo tàn lá của cây, bón vào vùng có nhiều rễ non phát triển, sau đó lấp đất, giữ ẩm vào mùa khô, thoáng gốc vào mùa mưa.

b) Mai trồng trong chậu
- Tuỳ theo kích thước chậu, lượng bón có thể thay đổi từ 20 - 50 gr/chậu cho 1 lần bón. Với chậu lớn, cây mai nhiều tuổi có thể bón khoảng 50 - 80 gr/chậu. Tạo rãnh xung quanh thành chậu, sâu khoảng 3 - 5 cm, rải phân đều vào rãnh, lấp đất và tưới đủ ẩm. Tránh làm đứt rễ, cây dễ bị nhiễm bệnh qua vết thương. Nếu có điều kiện, hàng năm vào đầu mùa mưa nên thay đất trong chậu bằng đất mới tơi xốp, hoặc bổ sung phân hữu cơ đã hoai mục, lượng bón từ 2 - 3 kg/chậu.


- Sử dụng phân bón lá: Ngoài việc sử dụng phân bón qua đất, phân bón lá có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sinh trưởng và phát triển, bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt trong đất, kích thích ra rễ, ra lá, ra hoa theo ý muốn của người chơi mai. Một số loại phân bón lá được nhà vườn quan tâm đó là: Phân bón lá Đầu Trâu 501 thúc ra chồi ra lá, Đầu Trâu 701 thúc ra bông và Đầu Trâu 901 có tác dụng dưỡng bông giúp bông lâu tàn và có màu sắc đẹp. Tương tự nhóm sản phẩm phân bón lá Đầu Trâu 005, Đầu Trâu 007, Đầu Trâu 009 cũng có hiệu quả cao đối với tất cả các loại mai cảnh.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Kỹ thuật nuôi cá Thát Lát Còm

Kỹ thuật nuôi cá Thát Lát Còm


Trong bài trước chúng tôi đã giới thiệu đến quý đọc giả về đặc điểm sinh học của cá còm, trong bài này xin giới thiệu đến toàn thể bà con kỹ thuật nuôi cá còm thương phẩm. Cũng giống như những loài cá khác, để nuôi cá còm thương phẩm nhất thiết chúng ta phải làm đúng kỹ thuật về điều kiện ao nuôi, chuẩn bị ao, thả giống…


1. Điều kiện ao nuôi
- Diện tích ao nuôi trong khoảng 500 - 3.000 m2, có thể nuôi ở diện tích lớn hơn tùy theo điều kiện của từng hộ nuôi. Độ sâu nước ao từ 1 - 1,5 m.

- Ao gần nơi có nguồn nước sạch và có cống cấp thoát nước chủ động.

- Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm là 0,5 m, ao phải có cống tràn để thuận tiện trong việc điều chỉnh mực nước trong ao .

- Trên bờ ao không nên trồng nhiều cây to, che ánh nắng mặt trời

2. Chuẩn bị ao
- Tát cạn ao, vét bùn.

- Tu sửa bờ ao, lấp lỗ mọi, chống rò rỉ, mất nước, chống cá khác vào ao.

- Bón vôi: thường dùng là vôi bột, bón 7 - 10 kg/100 m2 ao. Những ao hơi bị phèn thì bón nhiều hơn, có thể tới 15 kg/100 m2.

- Phơi đáy ao: nếu gặp trời nắng mà phơi được đáy ao vài ngày là tốt nhất. Nhưng lưu ý là những vùng đất bị nhiễm phèn thì không nên phơi lâu, chỉ cần phơi ráo mặt là tốt nhất, không nên phơi nứt nẻ chân chim.

- Bón phân gây màu: có thể dùng phân gà (7 - 10kg/100m2 ao), phân heo (20kg/100m2 ao), hoặc phân xanh (các loại lá xanh, tốt nhất là lá cộng sản (bồ ít)) để bón lót cho ao từ 15 - 20 kg/100 m2 ao. Cũng có thể dùng phân vô cơ: DAP, NPK,... để bón gây màu nước.

- Lấy nước cho ao 0,3 - 0,5m ngâm 3 - 5 ngày, sau đó mới cấp nước cho ao đủ độ sâu cần thiết từ 1,2 - 1,5 m.

3. Thả cá
- Mật độ thả 7 - 15 con/m2

- Kích cỡ cá 4 - 6 cm/con

- Cá khỏe mạnh, không xây xát, không dị hình, đồng cỡ.

- Vận chuyển và thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh sốc nhiệt độ.

- Ngâm bao cá trong ao từ 10 – 15 phút, sau đó mở miệng và khoát nước vào bao cho cá từ từ bơi ra ngoài.

4. Thức ăn
- Sử dụng thức ăn tươi sống: tép, cá tạp, ốc,... hay phụ phẩm từ các nhà máy chế biến. Có thể tập dần cho cá ăn thức ăn công nghiệp để chủ động nguồn thức ăn cho cá.

- Khẩu phần thức ăn: 5 - 7% trọng lượng cá/ngày.

- Làm sàn thả thức ăn để dễ kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày.

- Cho ăn ngày 2 lần.

- Định kỳ bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá, liều lượng Vitamin C khoảng 1% lượng thức ăn .

- Hàng ngày kiểm tra hoạt động của cá để phát hiện những bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.

- Sau 8 - 10 tháng cá đạt trọng lượng 0,5 - 1kg/con thì có thể thu hoạch.