Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Bệnh chết ngược ở Ca Cao

Bệnh chết ngược ở Ca Cao


Trong những năm gần đây, mô hình trồng dừa xen ca cao ngày được nông dân áp dụng rộng rải nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Đến cuối năm 2011, tỉnh Bến Tre có diện tích trồng ca cao khoảng 10 nghìn ha, trong đó diện tích dừa xen ca cao chiếm đa số. Song song với việc gia tăng diện tích trồng, tình hình dịch hại trên cây ca cao cũng phát triển theo, với những sâu bệnh phổ biến như: bọ xít muỗi, rầy mềm, bệnh thối trái, trong đó bệnh chết ngược đang gây thiệt hại phổ biến làm ảnh hưởng đến năng suất của nhà vườn trồng ca cao.



1. Triệu chứng bệnh
- Bệnh chết ngược (Vascular Streak Dieback) tác nhân do nấm Oncobasidium theobroma gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh vì nấm phát tán bằng bào tử qua con đường gió. Nấm xâm nhiễm mạnh vào mùa mưa, nhưng biểu hiện triệu chứng bệnh vào mùa nắng do thời gian ủ bệnh khá dài 8 – 16 tuần. Bệnh gây hại trên hầu hết các bộ phận của cây như trên lá già, lá non, cành, thân, trong mạch dẫn. Triệu chứng đặc trưng và điển hình tương đối dễ nhận biết như:



- Trên lá: những đốm tròn màu xanh xuất hiện từ cuống lá. Lá có biểu hiện bệnh thường nằm ở phần giữa hoặc ở phần gốc cành. Khi bệnh nặng, lá bị cháy từ phần đầu và mép vào cuống và gân chính.





- Trên thân: những nốt sần sùi như da cóc.



- Trong mạch dẫn: Lột vỏ hoặc chẻ dọc đoạn cành nhiễm bệnh thấy có những sọc đen. Các bó mạch tại sẹo lá thâm đen nên khi cắt ngang bề mặt thấy có 1- 3 đốm đen tương ứng với 3 bó mạch. Đây là triệu chứng thể hiện rỏ nhất của bệnh chết ngược. Trường hợp nặng có thể thối toàn bộ thân trong, làm cành bị khô và chết ngược từ ngoài vào.





- Cây ra tược non nhiều hơn bình thường.



2. Biện pháp phòng trị
- Sử dụng giống kháng.



- Tỉa cành tạo vườn thông thoáng đặc biệt trong mùa mưa.



- Tỉa bỏ cành bệnh cách nơi có triệu chứng bệnh khoảng 30cm về phía gốc.



- Khi điều kiện mưa nhiều, độ ẩm không khí cao tiến hành phun ngừa bằng các loại thuốc có hoạt chất Triadimenol (Bayfidan) nên phun vào sáng sớm và phun ướt đều lá non khi mỗi đợt ra lá non.



- Khi thể hiện triệu chứng bệnh có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Propiconazole, Propiconazole + Tebuconazole, (Tilt, Tilt super) quét vào thân hoặc phun ướt đẩm thân cành, tược non liên tục 4 lần cách nhau 7 – 10 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét